BƯỚC VÀO SƠ THIỀN
"Sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ.’’ (Trung Bộ Kinh)
Một số tỳ kheo khi tôi hỏi ly dục ly bất thiện pháp là gì thì họ đều nói là giới trong sạch. Điều này không sai, nhưng thiếu trong pháp hành chứng thiền định. Tôi hỏi ngài Agulimala giết 99 người thì giới có trong sạch không mà chứng đạo quả A la hán ngay trong đời. Các sư không trả lời được. Nửa đùa nửa thật tôi hỏi tiếp nếu 1 người vừa mù, vừa câm, vừa điếc và ăn chay suốt đời có được gọi là giới trong sạch không và cứ như thế hỷ lạc phát sinh để chứng sơ thiền không thì họ cười bảo chú này lấy ví dụ hay thật đấy.
Để vào được sơ thiền phải nhận diện được pháp đối nghịch tức là cái này có mặt thì cái kia không có mặt và ngược lại. Đức Phật đã nhận diện được pháp đối nghịch và dạy lại chúng ta đó là dục và bất thiện pháp. Vì sơ thiền là trạng thái do duyên sinh không có khả năng chấm dứt dục hay bất thiện pháp nên Đức Phật dung từ LY tức là tạm thời không dục và bất thiện pháp. Như vậy LY DỤC là gì ? LÝ BẤT THIỆN PHÁP là gì trong pháp hành thiền định ?
LY DỤC thuộc về THÂN. Khi hành thiền định thì thân dục giới này tạm thời không có mặt hay không đòi hỏi sự ăn, uống, ngủ, nghỉ, tiểu tiện, đại tiện, nói chuyện, ca hát, cãi cọ,.…
LY BẤT THIỆN PHÁP thuộc về TÂM. Ở đây có 2 chi phần. Đó là giới trong sạch (đối với cư sĩ là ngũ giới) và năm triền cái là các tâm Tham, Sân, Si bị đè xuống không cho nổi lên ví như quả bóng được đè xuống dưới nước. Tâm Si được chia ra 3 chi phần đó Trạo Cử-Hối Quá (vội vàng), Hôn Trầm –Thùy Miên (lừ đừ, gà gật), Nghi Ngờ (không biết rõ mình có hành thiền được hay không). Tâm Si nói chung là tâm không nhận diện được đối tượng nên gọi là si, mê mờ với 3 chi phần như trên.
TẦM là sự hướng Tâm hay đeo bám của Tâm lên đối tượng.
TỨ là sự chà sát hay khảo sát của Tâm trên đối tượng.
Tầm có thể được so sánh với việc bay đến đóa hoa của con ong, Tứ như khi nó bay vo ve quanh đóa hoa ấy.
Trong thiền định với đề mục là hơi thở thì sự dõi theo, bám theo hơi thở gọi là Tầm. Sự khảo sát hơi thở vào ra, dài ngắn, nóng lạnh gọi là Tứ.Thật ra Tầm và Tứ luôn có mặt trong đời sống hàng ngày. Ví dụ bạn tìm kiếm một cuốn sách trên giá sách, đó chính là Tầm, hướng tâm đi tìm kiếm đối tượng. Khi nhìn thấy bóng dáng cuốn sách trên giá, Tầm giúp Tâm bám chặt lấy đối tượng và lúc này Tứ xuất hiện khi bạn cầm quyền sách lên xem (chà xát đối tượng).
Vì có mặt trong đời sống của Tâm, do tâm có tâm bất thiện và có tâm thiện nên Tầm và Tứ cũng có Tầm Bất Thiện và Tứ Bất Thiện. Khi tâm bất thiện nổi lên, Tầm dẫn tâm đi tìm kiếm đối tượng để thỏa mãn sự bất thiện, Tứ đi sau Tầm để chà sát hay cọ sát vào sự bất thiện đó.
Như vậy, trong thiền định đề mục hơi thở, Tầm và Tứ được gọi là Thiện Tầm, Thiện Tứ vì nó hướng Tâm đi tìm các pháp cao thượng. Tầm và Tứ lúc này có mặt để thực hiện diệt trừ các pháp đối nghịch như sau:
TẦM diệt HÔN TRẦM-THỤY MIÊN
TỨ diệt TRẠO CỬ-HỐI QUÁ
HỶ diệt SÂN
LẠC diệt THAM
NHẤT TÂM diệt NGHI NGỜ
Để đi thực hành thiền định đúng pháp và có hiệu quả thì khi hành thiền, hành giả phải nhận diện các pháp đối nghịch nhau và thay thế nhau một cách rõ ràng trên THÂN và trên TÂM như sau:
1. Nhận diện tâm Hôn Trầm-Thụy Miên: Đó là trạng thái gà gật như buồn ngủ của Tâm trong khi ngồi thiền. Nhờ chú tâm vào hơi thở, điểm chú tâm là điểm giao nhau ở hai lỗ mũi gần nhân trung. Hai lỗ mũi và nhân trung tạo ra 3 đỉnh của 1 tam giác đều thì tâm của tam giác đều là nơi cần chú tâm lên đó đó theo dõi hơi thờ đi vào và ra. Khi tâm đặt vào điểm này và chú tâm vào hơi thở thì chi Tầm xuất hiện. Nhờ chú Tâm vào đây thì trạng thái Hôn Trầm-Thụy Miên dần dần bị loại trừ.
2. Nhận diện tâm Trạo Cử-Hối Quá: Là trang thái vội vàng, hấp tấp của tâm khi làm việc gì đó. Việc thở gấp gáp trong khi thiền, hoặc khởi tâm mong cho mình chóng đắc thiền cũng là tâm hối quá. Nhờ chi Tầm xuất hiện kéo theo Tứ xuất hiện. Tứ là chi phần giúp cho Tâm chà sát đối tượng. Ở đây, Tứ giúp hành giả nhân diện hơi thở chính là luồng khí đi qua điểm tâm chú vào dưới mũi. Tứ giúp nhận diện ''hít vào biết hít vào'', ''thở ra biết thở ra''. Tầm và Tứ là 2 chi luôn đi với nhau như bóng với hình, do chức năng khác nhau mà tên gọi khác nhau.
3. Nhân diện tâm Sân: tâm Sân là tâm ghét bỏ hay mong muốn loại trừ hay hủy diệt đối tượng. Trong thiền, tâm Sân bộ lộ khi sự đau mỏi phát sinh trên thân thể của hành giả. Ý muốn loại trừ trạng thái đau mỏi, hay khó chịu với sự đau mỏi là tâm Sân khi hành thiền. Tâm Sân chỉ được loại trừ khi trạng thái Hỷ xuất hiện trên thân, sự đau mỏi sẽ bị loại trừ. Đây là điều cần nhận rõ ràng nhất đối mới mọi hành giả. Đây chính là hương vị đầu tiên mà hành giả được nếm trải khi bước vào hành thiền. Ngày nào hành giả chưa có Hỷ trên thân thì hành giả chưa thể nói thiền là gì. Trong chú giải có đưa ra năm loại hỷ để hành giả sau khi xuất thiền thì quán chiếu lại xem mình đã trải nghiệm qua loại Hỷ gì: ''tiểu hỷ (khuddhikāpīti), đản hỷ (khaṇikāpīti), ba hỷ (okkan-tikāpīti), khinh hỷ (ubbegāpīti) và biến mãn hỷ (pharaṇāpīti). Trong năm loại này, tiểu hỷ được nói là có thể làm dựng lông tóc trên thân. Đản hỷ tựa như là ánh chớp thỉnh thoảng lóe lên. Ba hỷ tựa mưa rào đổ xuống thân rồi biến mất như những lượn sóng đổ lên bờ. Khinh hỷ có thể nâng người lên và khiến cho nó di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Biến mãn hỷ thấm nhuần toàn thân.
Để cho thuận tiện theo dõi, tôi xin lấy cùng 1 ví dụ về Tầm và Tứ là việc bạn đi tìm cuốn sách để đọc.
Tầm dẫn bạn đi tìm cuốn sách trên giá kệ
Tứ nhận diện cuốn sách và giúp bạn lật trang sách, tìm đọc nội dung bạn cần
Hỷ là trang thái khi bạn bị cuốn hút vào nội dung, khổ đoạn, hay câu trong cuốn sách. Bạn cảm thấy rất vui, hoan hỷ khi đoạn bạn đọc thấy rất tâm đắc.
Lạc là trang thái thỏa mãn khi bạn kết thúc đọc xong đoạn văn hay câu thích thú đó.
Hỷ được xếp trạng thái dễ chịu thuộc về Thân trong hành thiền, vì như người đi trên sa mạc đang khát nước nhìn thấy hồ nước từ xa, trạng thái hân hoan, sung sướng xuất hiện. Lạc được xếp trạng thái dễ chịu, khinh an thuộc về Tâm. Ví như người đi trên sa mạc, thấy hồ nước phát sinh Hỷ. Sau đó đi đến hồ nước uống nước. Khi uống nước xong, cơn khát dịu xuống, trạng thái dễ chịu, khinh an trong tâm nổi lên gọi là Lạc.
Các hành giả nên lưu ý thật rõ về các trang thái Hỷ và Lạc trong thiền là như vậy để quán xét thân và tâm sau khi xả thiền. Lưu ý không được quán xét đem ra so sánh với các ví dụ hay chú giải trong khi đang ngồi thiền hay hành thiền, vì nếu không bạn sẽ lạc vào thiền của Hỷ Tưởng và Lạc Tưởng Tượng thôi.
Trước khi vào phần 4-Nhận diện tâm Tham, tôi muốn nhấn mạnh về cách thực hành thiền định để có Hỷ, bước đầu của hương vị thiền định.
Giống như đời thường, thân dục giới chúng ta đang có đây đòi hỏi ngày ăn 2, 3 bữa. Để có bữa ăn bình thường thôi đã đòi hỏi ta phải lao tâm khổ tứ trong việc mưu sinh hàng ngày bằng cả thân và tâm. Vì cả thức ăn và người ăn đều là pháp hữu vi bị vô thường chi phối nên ăn hôm nay, mai lại phải ăn tiếp, tức là không thể ăn một bữa cho nhiều bữa, ngày mai ta lại phải lao tìm kiếm bữa ăn mới, phòng rủi ro ta phải kiếm nhiều bữa hơn để dự phòng thay vì cho một ngày hay nhiều ngày.
Thiền cũng vậy. Nếu bữa ăn là thức ăn cho thân thì thiền là thức ăn cho tâm. Bạn cũng phải cho nó ăn ngày 2, 3 bữa. Mỗi bữa 30 phút đến 1 giờ. Những người ham muốn thọ hưởng thân này thì họ đi tìm bữa ăn ngon cho Thân. Còn những người đang coi thân này là phương tiện đi đến sự an lạc trọn vẹn thì tìm thức ăn cho Tâm. Thức ăn cho Thân đến từ bên ngoài, thức ăn cho Tâm đến từ bên trong.
Để có bữa ăn ngon thịnh soạn phải phải trả nhiều tiền hơn, tức là bạn phải làm việc vất vả hơn và hiệu quả hơn. Cũng vậy, để hưởng được HỶ LẠC trong thiền thì bạn phải công phu hơn, tinh tấn hơn, miên mật hơn. Việc thực hành đúng pháp, tinh tấn, miên mật giúp bạn có thể có Hỷ, Lạc trong thiền trong vòng 1 tuần đầu tiên, có thể đắc Sơ thiền trong vòng 6 tháng. Sơ thiền không phải là cái gì đó khó đến mức mà bạn phải đứng ngoài để chiêm ngưỡng. Thiền là cái có sẵn trong bạn nhưng nó bị vùi lấp bởi các tâm Tham, Sân, Hồn Trầm -Thụy Miên, Trạo Cử -Hối Quá và Nghi Ngờ. Nghi Ngờ là bản chất của tâm, chỉ khi nào bạn thực chứng sự việc hay sự vật thì bạn mới hết nghi ngờ, cho dù đó là lời nói của bất cứ ai, kể cả là lời của Đức Phật. Khi nào kết thúc toàn bộ topic ‘’Bước vào Sơ thiền’’ này thì bạn sẽ Thấy và có niềm tin bước đầu vào pháp hành và chỉ khi nào bạn thực hành thành công thì Hoài Nghi mới chấm dứt. Sự tinh tấn, miên mật sẽ giúp bạn thành công, ‘’kiên nhẫn dẫn đến Niết Bàn’’ là câu nói cửa miệng của người Miến Điện. Chính bạn sẽ quyết định bạn đi về đâu bằng cách thực hành chứ không phải nghiên cứu và tư duy.
4. Nhận diện tâm Tham: Ngược chiều với tâm Sân (tâm Sân là trạng thái ghét bỏ, loại trừ hay hủy diệt đối tượng) thì tâm Tham là trạng thái ưa thích, vơ vào hay bồi đắp đối tượng. Ví dụ như bạn đang đói và muốn có một bữa ăn. Ước muốn có bữa ăn là tâm tham, còn hủy diệt cơn đói là tâm sân.
Tâm tham trong thiền chính là ước muốn ngồi thiền hay hành thiền được kéo dài, duy trì được nhiều thời gian. Sự xuất hiện đau mỏi trên thân xuất hiện ngăn trở ước muốn này, lúc đó tâm Sân xuất hiện. Cũng giống như bữa ăn. Bạn muốn ăn, cũng như bạn đang muốn ngồi thiền. Bạn phải tìm kiếm thức ăn, chừng nào bạn chưa tìm được đồ ăn thì cơn đói tăng dần lên, sự bức bách khó chịu trên thân bạn. Bạn rất khó chịu với sự bức bách này mà muốn hủy diệt cơn đói. Đó là tâm Sân. Thức ăn xuất hiện, trạng vui mừng hân hoan xuất hiện giống như HỶ xuất hiện ở phần 3 tôi đã nói. Sau đó bạn dùng đồ ăn đó, sự dễ chịu , thoái mái, khinh an trên Tâm, trạng thái muốn ăn biến mất. Lạc trong thiền cũng như vậy. Khi Hỷ xuất hiện thay thế tâm Sân thì Lạc cũng xuất hiện đi sau Hỷ thay thế tâm Tham như một quy luật tự nhiên để thay thế tâm Tham (tâm khao khát, ước muốn hành thiền). Lưu ý là do đạt được Hỷ, Lạc trong thiền, tâm tự nhiên sẽ ghi nhận, lưu giữ lại các cảm thọ này. Sau này tâm sẽ nhắc bạn hành thiền để tìm lại Hỷ và Lạc trong thiền như người đi tìm kiếm lại bữa ăn ngon đã từng được ăn. Còn ngay trong khi hành thiền thì tâm Lạc sẽ thay thế tâm ước muốn (tâm Tham) ngay lập tức giống như bạn ăn món ăn ngon thì ước muốn ăn món ăn đó không thể có mặt nữa khi bạn đang thỏa mãn món ăn đó.
Để hiểu kỹ hơn ở phần Hỷ và Lạc trong tâm thiền, tôi xin bổ xung đoạn viết này để các bạn có thể nắm vững hơn khi thực hành thiền định khi bước vào Sơ thiền.
Đức Phật nói chúng sinh là tập hợp bởi 5 uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Ngài nói rút gọn thêm cho dễ hiểu khi chia 5 uẩn làm 2 phần Danh và Sắc. Sắc (phần có hình tướng) và Danh (phần không hình tướng) là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nói theo ngôn từ khoa học thì đây là một phát minh vĩ đại nhất trong tiến trình khám phá về Tâm của con người.
Thân được hiểu là phần Sắc, Tâm được hiểu như phần Danh. Trong phần Danh này có được chia ra làm chủ thể và đối tượng. Chủ thể gọi là tâm vương, đối tượng gọi là tâm sở. Trong kinh Tứ Niệm Xứ, khi Đức Phật nói quán Thọ trong Thọ chính là nói đến phần Thấy và Biết tâm vương. Trong phần quán Tâm, Đức Phật nói quán tâm trong tâm cũng chính là quán để Thấy và Biết tâm vương. Tâm có tham, BIẾT tâm có tham. Tâm không tham BIẾT tâm không tham. Tâm có thiền BIẾT tâm có thiền, tâm không thiền BIẾT tâm không thiền. Cái tâm BIẾT đó chính là tâm VƯƠNG, còn cái tâm đang tham, tâm đang thiền hay tâm thọ hỷ, tâm thọ lạc đó chính là tâm SỞ.
Thực chất trong thiền định hay thiền chỉ chính là lấy tâm Sở làm đối tượng, hay còn gọi là pháp Tục Đế. Tâm sở là tâm đã bị quy định, quy ước, khái niệm theo hệ quy chiếu.
Trong thiền Tuệ hay thiền Giải thoát Vipassana lấy tâm Vương làm đối tượng hay còn gọi là pháp Chân Đế. Tâm vương là tâm Thấy và Biết không qua khái niệm, quy đinh hay quy ước. Hành giả vipassana thực hành tu tập trên tâm Thấy và Biết này để thấy được Niết bàn, là trạng thái vắng mặt hoàn toàn của các tâm sở. Hiện nay nhiều hành giả tu tập thiền Tuệ lại tu theo hệ quy chiếu 7 tuệ minh sát hay 12 hay 16 tuệ minh sát thì sinh ra một loạt các tâm sở mới. Đây là điều hết sức lưu ý cho các hành giả thiền Tuệ, không khéo tu học sẽ tưởng nhầm là đang tu thiền Tuệ nhưng lại hình thành một hệ quy chiếu mới giống như các tâm sở trong thiền định.
Chúng ta đang ở trong topic về thiền định với việc tu tập vào Sơ thiền để đạt tới cái tâm nhu nhuyễn dễ sử dụng, gọi là tâm Sắc giới.
Tam giới sáu đường là nói về 3 loại tâm: dục giới, sắc giới và vô sắc giới tái sinh trong lục đạo luân hồi. Chỉ có tâm thiện dục giới, sắc giới và vô sắc giới mới cho cảnh tái sinh kiếp chư thiên. Còn lại là tái sinh làm thân người và vào các đường ác với tâm dục giới hiện nay con người không qua tu tập đang có.
Quả của thiền định từ sơ thiền đến tứ thiền cho tái sinh chư thiên sắc giới. Đức Phật đã phát hiện ra rằng, việc đi qua thiền định là cần thiết để thoát khỏi tâm Dục giới đang nhiệt não trở thành tâm Sắc giới nhu nhuyễn dễ sử dụng để quán sự Sinh Diệt của các pháp Hữu Vi bước đầu cho thiền Tuệ - thiền vipassana - thiền giải thoát. Đạo Phật là đạo của Giới - Định - Tuệ. Nếu bỏ định mà có tuệ là điều rất khó, khó như điều kiện người học đạo nào cũng phải là Lục Tổ Huệ Năng thì mới bỏ định đi đến tuệ, khó như người muốn học võ mà điều kiện là phải uyển chuyển, thuần thục như Lý Tiểu Long. Sự thật này các hành giả cần phải nhìn nhận và lựa chọn sự tu tập đúng pháp. Nghiệp của ta sẽ đi theo ta chứ không phải của thầy và bạn đi theo ta.
Hiện nay có nhiều trường dạy thiền Tuệ không qua thiền định trên thế giới được gọi là Khô Quán Hành Giả. Khô tức là ko có sự mềm mại, nhẹ nhàng của tâm khi thực hành thiền Tuệ Quán. Còn tu tập đi qua thiền định rồi vào thiền tuệ gọi là Chỉ Quán Hành Giả tức là hành giả đã tu tập có định rồi mới đi vào tuệ như lời Đức Phật dạy. Thời mạt pháp do người ta xa rời gốc quá nhiều nên mới phải chia chẻ nhiều khái niệm mới như vậy để phân biệt. Tôi sẽ viết bài về thiền Tuệ sau khi kết thúc phần thiền định nói về Sơ thiền này.
3 CHÌA KHÓA QUAN TRỌNG:
* Chìa khóa thứ nhất:Nhận diện căn tánh của hành giả:
Ví như luyện quặng sắt việc biết thành phần các bon © của quặng sắt giúp việc biết quặng này để luyện ra sắt hay ra gang. Cũng vậy, hành thiền là một tiến trình của thân và tâm đi từ dục giới sang sắc giới như việc luyện quặng sắt, hành giả phải biết Căn Tánh của mình.
Trong chú giải có nói về 6 loại căn tính với 3 loại bất thiện và 3 loại thiện . Ba loại bất thiện tánh là: Tham tánh, Sân tánh, Si tánh. Ba loại thiện tánh là: Tín tánh, Giác tánh và Tầm tánh. Các loại căn tánh này thường đi đôi với nhau trong một hành giả thành một cặp:
Tham tánh thì thường đi với Giác tánh.
Sân tánh thì thường đi vời Tầm tánh.
Si tánh thì thường đi với Tín tánh.
Như vậy rút gọn lại thì ta chỉ cần quan tâm đến 3 tánh bất thiện là: Tham tánh, Sân tánh và Si tánh. Vì nếu căn tánh của ta là Tham tánh thì sẽ có thiện căn đi kèm là Giác Tánh.
Để biết ai là người có căn tánh Tham, Sân hay Si nổi trội, ta có thể tự làm bài Test (kiểm tra) như sau: Nếu bạn đi vào khu rừng trong đêm tối. Đang đi bỗng nhiên ở ven đường phía trước có cái bóng mờ mờ, đen đen, chập chờn, mờ ảo. Sẽ có ba trường hợp xảy ra:
a/ Bạn hét lên rồi bỏ chạy ---> bạn thuộc căn tánh Tham đi kèm Giác tánh
b/ Bạn chấn tĩnh rồi tiến thẳng về phía bóng đen để xem bóng đen đó là gì--->bạn thuộc căn tánh Sân đi kèm Tầm tánh.
c/ Bạn chấn tĩnh, tiếp tục đi ngang qua bóng đen, vừa đi bạn vừa thầm khấn nguyện: Cha ơi ! Mẹ ơi ! Cứu con với ! ---> bạn thuộc can tánh Si đi kèm Tín tánh.
Một ví dụ nữa rất thực tế là những người hay cãi lộn trên diễn đàn thuộc về Sân tánh đi kèm Tầm tánh. Tầm tánh làm tâm sở cho những người rất chịu khó tìm tòi, nghiên cứu pháp học pháp hành. Do thuộc tính này làm tăng tính sở hữu cho sự học đó, vô tình trở thành một chướng ngại (sở tri chướng) vì nếu có điều gì ngược lại hay không đúng với sự học, sự biết của họ thì họ sẽ rất bực bội và khó chịu, lúc này tánh Sân được nổi trội. Cá nhân tôi, tôi cũng thuộc Sân tánh đi kèm với Tầm tánh. Ngày trước tôi cũng rất hay khẩu chiến dựa trên kiến thức mình thu thập được. Khi biết rõ căn tánh của mình rồi sẽ biết cách lựa nó, quán xét nó như một nguyên liệu bắt buộc ở đầu vào trên quy trình quán xét Thân và Tâm trong hành thiền.
Tham, Sân, Si là đặc tính cơ bản của chúng sinh. Chúng ta hiện hữu và có mặt trong luân hồi do ba đặc tính này. Như vậy chúng ta phải nhận diện ở mỗi người mỗi nghiệp căn tánh nào là nổi trội nhất để có pháp sử dụng thích ứng trong tiến trình Thân và Tâm.
Trong chú giải đưa ra 3 giải pháp tương ứng với 3 căn tánh của mỗi hành giả như sau:
Tham tánh (Rāgacarito): đề mục thích hợp là 10 đề mục tử thi và thân hành niệm.
Sân tánh (Dosacarito): đề mục thích hợp là Từ, Bi, Hỷ, Xã, Xanh, Vàng, Ðỏ, Trắng.
Si tánh (Mohacarito): đề mục Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiện thích hợp với người nặng về tánh đức tin.
Đề mục hơi thở được Đức Phật đưa ra là đề mục trung đạo thích hợp cho cả ba căn tánh nêu trên nhưng đến đây các bạn có thể đoán ra được tại sao phần lớn mọi người khó khăn trong việc hành thiền hay thiền hơi thở và sự khó khăn này ''không chỉ của riêng'' ai rồi. Lúc này là chiếc chìa khóa đầu tiên xuất hiện: Đó là chúng ta phải xác định căn tánh của mình nổi trội là Tham hay là Sân hay là Si trong 3 căn tánh Tham, Sân, Si. Sau đó chúng ta tiến hành bước chuẩn bị hành thiền bằng việc dự bị tu tập các pháp đối trị nêu trên như chú giải đã nói. Bản chất các pháp đối trị đó cũng là hành thiền, nhưng chúng ta không đi sâu vào các pháp đó như đi sâu vào hơi thở mà chúng ta đã lựa chọn. Chúng ta dự bị tu tập trước để các căn tánh Tham, Sân, Si quân bình trong ta. Sau đó ta đi sâu vào thiền hơi thở một cách nhẹ nhàng êm ái như những trạng thái của của Tâm thiền Sắc giới mát mẻ, định tĩnh, sáng suốt đang chờ đón chúng ta.
* Chìa khóa thứ 2: Thuận tự nhiên
Thiền là tự nhiên. Khi nào bạn có sự tự nhiên mang tính thiền? Khi căn tánh tham, căn tánh sân, căn tánh si trong ta được lắng dịu và các căn tương ứng căn tánh Giác, căn tánh Tầm, căn Tín tánh nổi trội lên.
Bây giờ ta có thể hiểu được tại sao thái tử Tất Đạt Đa lúc bảy tuổi có thể nhập sơ thiền khi ngồi dưới gốc cây trong ngày lễ hạ điền. Khi cậu bé nhìn thấy từng miếng đất lật lên theo đường cày, những con giun đất bị lộ mình, những con chim lao xuống bắt chúng để ăn, những người thợ săn của nhà vua lại rình bắn những con chim ấy. Những cảnh thương cảm, chán chường trước mắt cậu bé. Chọn một gốc cây, cậu bé ngồi xuống, mắt nhằm hờ và lặng lẽ buông xả sự bám víu vào cảnh hiện hữu. Với một cậu bé bảy tuổi chưa thể biết thiền và kỹ thuật thiền là gì, lúc đó cậu bé cũng không biết trạng thái mình chứng đạt đó gọi tên là gì. Điều đó đã được tâm của cậu bé ghi lại một cách sâu sắc để rồi 28 năm sau, tâm vẫn còn ghi nhận trạng thái này. Lúc này Bồ tát nhớ lại lúc bé, vào lễ hạ điền, trạng thái của tâm lặng lẽ, sáng suốt trong buổi sáng ngồi dưới gốc cây ấy và sau này ngài gọi nó là Sơ thiền. Thậm chí ngài nhớ đến trạng thái vào Sơ thiền lúc bảy tuổi khi ngài tuyệt vọng nhất trên con đường giải thoát. Như vậy, với một tâm khát khao giải thoát giác ngộ, cầu tìm sự giác ngộ thoát 4 cảnh khổ: sinh, lão, bệnh, tử nhưng lúc đó Bồ tát Tất Đạt Đa hoàn toàn bế tắc. Chìa khóa thoát ra khỏ sự bế tắc này chính là lúc Ngài nhớ lại trạng thái Sơ thiền khi ngài nhập định lúc bảy tuổi. Ngài liền đưa tâm trở về trạng thái này . Với căn cơ của bậc Thánh siêu phàm, ngài lần lượt nhận ra đầy đủ các chi phần có mặt trong Sơ thiền, nhận ra sự dạo động của từng chi thiền, loại bỏ dần các dao động này để đi qua Nhị thiền, Tam thiền đến Tứ thiền. Tại đó ngày dừng lại quán chiếu sự sinh diệt của các pháp hữu vi và duyên sinh của nó, ngài lần lượt chứng Tam Minh vào các canh đầu giờ sáng. Đây là sự minh chứng cho việc khi bước vào thiền Minh Sát rất cần một tâm đã được làm mát mẻ và lắng dịu sau khi đã qua Định.
Khi ta đang bị các tâm Tham, Sân, Si chi phối thì đó là trạng thái nhiệt não. Ta đưa tâm đó vào sử dụng các kỹ thuật thiền và được ví như 5 giác quan được bịt lại chỉ để mở 1 giác quan là xúc chạm vào hơi thở. Việc này thường được vị như 6 con khỉ bị nhốt lại 5 con và thả 1 con ra là căn xúc. Bản chất của tâm dục giới (là tâm có tham, sân, si) luôn quẫy đạp. Ta không thể bắt tâm dừng lại. Càng ngồi, ta càng bị căng cứng, nếu không tức ngực thì ta lại ngủ gục hay tâm lại vùng vẫy để đi lăng xăng lúc nghĩ việc này lúc nghĩ việc khác. Bằng sự nỗ lực, ta lại quyết tâm ngồi, chế ngự tâm. Nếu không nghĩ gì thì ta lại khát khao nhớ tìm kiếm các cảm giác dễ chịu trên thân và trên tâm như giáo trình thiền, như thầy dạy đã hướng dẫn. Đôi khi có chút cảm giác như vậy đến với ta nhưng không được lâu vì nó vẫn thuộc về ý thức, về sự khảo khát, về sự tưởng tượng của ta. Ngồi lâu một chút, sự đau buốt trên thân lại đến, ta lại nhẫn nhịn tiếp tục chịu đựng. Rồi ngày qua ngày, ta càng tìm kiếm trạng thái hỷ lạc trong thiền, ta càng tuyệt vọng. Chẳng có hỷ lạc thật sự nào mãnh liệt trong ta, sâu sắc trong ta để tâm ta ghi nhớ nhắc nhở ta ngày mại lại hành thiền.
Thuận tự nhiên chính là thuận theo căn tánh một cách tự nhiên. Ví dụ như người có căn tánh Tham theo chú giải thì phải hành đề mục thích hợp là 10 đề mục tử thi và thân hành niệm. Vấn đề ở chỗ làm sao có tử thi đề mà hành trong thế kỷ 21 này. Điều này là không khả thi cho hầu hết thiền sinh. Mục đích của các đề mục này là để cho hành giả nhàm chán sự tham đắm vào thân xác, vào thức ăn , vào chỗ ở, tức là vào sắc (rupa) hình thể (appearance). Vậy ta hãy dùng những phương tiện khác thay vì 10 đề mục tử thi mà vẫn đạt được điều đó. Ta có thể đến các phòng hồi sức cấp cứu, chấn thương chỉnh hình, nhà tang lễ trong bệnh viện, ta sẽ thấy sự mong manh của xác thân, sự uế trược của xác thân. Có cái gì đó tan rã trong ta. Tôi cũng đã thực hành như vậy mỗi khi thăm người ốm, khi đi viếng đám tang. Có gì đó tan rã và rất sâu sắc diễn ra trong tâm mà không cần phải quán chiếu, không cần phải tưởng tượng.
Thành này làm bằng xương
Quét tô bằng thịt máu
Ở đây già và chết
Mạn, lừa đảo chất chứa.
(Kinh Pháp Cú)
Khi ban ngày thực hiện việc quán chiếu như trên, ngay buối tối khi ngồi thiền, sự buông xả thân tâm một cách hoàn toàn tự nhiên đưa đến. Rất nhẹ nhàng từ từ chú tâm vào hơi thở, như dòng suối lặng lẽ chảy, không có mong muốn, không có khát khao gì, rất tự nhiên, một trạng thái ngây ngất đưa tôi đi.
Hay với thức ăn cũng vậy. Bạn có thể thấy sự ôi thiu, bốc mùi của thức ăn sống hay chín để quá lâu. Đừng vội vàng vứt bỏ, hãy dừng lại 1 phút, 5 phút hay 10 phút quan sát bằng tất cả các giác quan trên món thức ăn ôi thiu bố mùi đó, bạn sẽ học được sự nhàm chán thức ăn bằng trực giác, tâm sẽ ghi nhận điều này chứ không phải bằng ý thức hay sự xa lánh món đang bốc mùi khó chịu đó. Bằng nhiều cách tiếp cận với nhiều phương tiện, tâm Tham nổi trội của bạn sẽ lắng dịu một cách tự nhiên chứ chưa cần phải hành thiền để đưa vào các chi phần thay thế là Hỷ và Lạc. Nếu căn cơ mau lẹ, bạn cũng sẽ có sự nhẹ nhõm như được chút bỏ gánh nặng rồi, vì tham, sân và si là gánh nặng. Việc vào thiền trở nên dễ dàng hơn giống như nhưng cây củi đã được làm khô trước khi đốt lửa.
Với căn tánh Sân tánh thì đi với sự sung mãn của chi Tầm nếu tâm Sân lắng dịu. Đây là một thuận lợi cho người hành thiền Định, vì chi Tầm xuất hiện đầu tiên.
Tương tự như vậy, người có tánh Si với Tín căn thì sự Tinh Tấn rất mãnh liệt. Trước khi vào thiền thì nên tụng vài bài kinh nào bản thân thấy thích và phù hợp làm sao cho Tâm cảm thấy an lạc và dễ chịu nhất, sau đó mới tiến hành ngồi thiền.
Chìa khóa thứ 3: Động cơ hành thiền
Mỗi người đến với thiền bằng những duyên và nghiệp khác nhau. Chỉ khi nào bạn coi thiền là một phần của đời sống của bạn thì tôi chắc chắc bạn sẽ đắc định ít nhất là Sơ thiền. Tùy thuộc vào động cơ hành thiền nào mà bạn sẽ có thái độ hành thiền tương ứng. Khi có thái độ hành thiền tích cực thì bạn đã có sự Tinh Tấn là chi phần đầu tiên của phần Định (Tinh Tấn – Niệm – Định) trong Bát Chánh Đạo. Một người có thái độ tích cực hành thiền thì người đó sẽ có sự Tinh Tấn, sự Tinh Tấn đưa đến Niệm, Niệm đưa đến Định. Niệm trong tiếng Pali là Sati là sự GHI NHẬN chứ không phải là tụng niệm hay nhắc thầm. Niệm hơi thở là sự ghi nhận hơi thở. Ghi nhận theo chu trình: hơi thở vào, hơi thở ra, theo trạng thái: hơi thở dài, hơi thở ngắn.
Động cơ hành thiền cũng quyết định việc hành thiền của ta là Tà Định hay là Chánh Định. Nếu việc hành thiền của ta ở đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối vì mục tiêu thoát Khổ thì đó là Chánh Định, ngoài ra là Tà Định. Vì mục tiêu thoát Khổ nên việc chứng đắc Định sẽ trở thành nền tảng đi tiếp đến Chánh Kiến và Chánh Tư Duy (thiền Tuệ).
Động cơ nghiêm túc và lâu dài giúp cho ta có sự hiểu biết về lý thuyết lẫn thực hành một cách đầy đủ và toàn vẹn hơn. Ta có thể ghi chép nhật ký thiền, thời gian biểu cho thiền, tạo ra không gian cho thiền giản dị nhưng sạch sẽ, thanh tịnh để làm tăng sự dễ chịu cho tâm khi hành thiền.
Động cơ hành thiền còn quyết định ta sẽ chọn ai làm đạo hữu, giáo trình thiền nào, và thầy dạy thiền là ai. Có câu nói: ‘’Khi người học trò sẵn sàng thì người thầy xuất hiện.’’ (When the student is ready, the master will appear). Người thầy ở đây được hiểu là các điều kiện trợ duyên cho việc hành thiền xuất hiện như: trú xứ, bạn đạo, giáo trình, thầy dạy, thời tiết, thức ăn… tương ứng với việc hành thiền.
Động cơ hành thiền là một năng lượng lớn giống như bạn chuẩn bị cho một chuyến đi dài ngày. Bạn chuẩn bị phương tiện, xăng xe, tiền bạc, thời gian, công sức, hành trình và đích đến. Sự chuẩn bị như vậy giúp cho bạn vượt qua mọi khó khăn trên con đường hành trình tâm linh, con đường hành trình để chiến thắng chính mình, con đường rất nhiều người cùng đi nhưng chẳng có ai cả.
* Như vậy, với 3 chìa khóa dự bị hay chuẩn bị trước khi hành thiền là:
1. Căn tánh hành giả
2. Thuận tự nhiên
3. Động cơ hành thiền
Ba chìa khóa này sẽ giúp hành giả rất lớn trong việc thành tựu trong hành thiền. Cá nhân tôi thấy việc này chiếm đến 50% của sự thành tựu. Có câu nói: "Đi xa được ngàn dặm, khởi đầu một bước chân". Sự khởi đầu tốt đẹp sẽ cho tâm chúng ta sự hứng khởi như nguồn năng lượng mới mỗi khi ta bước vào hành thiền hàng ngày.
LƯU Ý ĐẶC BIỆT:
* Sự nhầm lẫn tai hại: Nimita thành đề mục thiền.
Sắc (rupa) mà chúng ta đang thấy được quan sát bằng Danh (nama) hay còn gọi là Tâm. Khi Sắc được quan sát bởi Tâm Dục Giới (chi phối bởi 5 triền cái: tham, sân, hôn trầm-thụy miên, trạo cử-hối quá, nghi ngờ) thì Sắc được thấy dưới dạng Thô tướng, tức là nhìn bằng con mắt thông thường chúng ta đang thấy.
Khi Sắc được quan sát bởi Tâm Sắc Giới (chi phối bởi năm chi thiền sắc giới: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) thì Sắc được thấy dưới dạng Tợ tướng (ở cận định) và Quang tướng (ở an chỉ định), lúc này cái nhìn không ở mắt chúng ta nữa mà cái nhìn bằng tâm thiền (khi 5 thiền chi có mặt). Tợ tướng và Quang tướng được gọi là Nimita, cách gọi khác là ấn chứng của thiền định.
Trong cuốn THE JHANA (Thiền Định) sư Bhikkhu Brahmavamso đã viết: ''Vì thế tôi muốn nói, rằng Nimittas không phải là những đối tượng được nhìn thấy, có nghĩa là chúng không được nhìn thấy bằng thị giác. Ở giai đoạn này của Thiền, thị giác không hoạt động. Các Nimittas đơn thuần chỉ là các đối tượng của tâm trí, được nhận biết bởi tâm trí. Tuy nhiên, chúng thường được nhận thức (perceived) như là những ánh sáng''.
Như vậy việc Nimita xuất hiện ở cận định (tợ tướng) và an chỉ định (quang tướng) là do tâm của hành giả lúc này đang chuyển từ tâm Dục Giới sang tâm Sắc giới và khi hành giả nhập định hoàn toàn vững chắc (an chỉ định) thì hình ảnh của Sắc (rupa) lúc này là quang tướng (tướng có sự phát sáng hay còn gọi là ánh sáng của thiền định). Hành giả duy trì ánh sáng này (nimita an chỉ định -quang tướng) để vượt qua và loại bỏ các chi thiền thô làm tâm dao động như Tầm, Tứ để vào Nhị Thiền. Tiếp theo loại bỏ Hỷ trên thân vào Tam Thiền. Loại bỏ Lạc trên tâm vào Tứ Thiền (xả Lạc trú Nhất Tâm).
Có nhiều cách gọi tên khác nhau và phân loại nimita ra 2, 3 hay 4 loại:
Sơ tướng (parikamma nimitta): khi hơi thở có màu khói xám
Học tướng (uggaha nimitta): sơ tướng trở thành màu trắng như một nhúm bông gòn
Tợ tướng (patibhaga nimitta): chuyển từ màu trắng đục bông gòn sang một màu phát sáng.
Định tướng của hơi thở (anapana nimitta): ánh sáng trắng
Với cách phân ra 4 loại nimita nêu trên thì 3 loại đầu thực chất làm rõ tiến trình cho đến cận định, còn loại cuối là an chỉ định. Theo quan điểm của tôi thì chỉ đưa ra phân loại nimita ra 2 loại là Tợ tướng dành cho cận định và Quang tướng hay Định tướng dành cho an chỉ định.
Như vậy mỗi bậc thiền định sẽ có 2 loại nimita của cận định và an chỉ định. Chỉ riêng nimita cận định (tợ tướng) của Sơ thiền là mờ đục vì còn bị dao động mạ nh bởi hai chi thiền thô Tầm và Tứ (ranh giới giữa tâm Dục giới và tâm Sắc giới). Còn các niminta cận định ở các bậc thiền từ Nhị thiền trở lên đều sáng (phát quang, ko bị mờ đục) vì đều ở trong Tâm Sắc Giới. Có lẽ vì cái nhìn chỉ thuần ánh sáng (quang tướng) của Tâm thiền này nên mới gọi là Tâm Sắc hay Tâm của Sắc Giới. Trong các bài kinh khi nói đến chư Thiên Sắc Giới xuống hỏi đạo với Đức Phật đều ghi là''vị thiên với ánh sáng rực rỡ đi đến bên Đức Phật....''. Ánh sáng rực rỡ này chỉ có những vị sư tăng đã đắc thiền định mới nhìn thấy.
Khi lướt trên web, tôi thấy có những trang web nổi tiếng về Phật đạo và các tác giả cũng rất nổi tiếng mà có sự nhầm lẫn về NIMITA khi viết hay giảng về thiền định. Việc nhầm lẫn ở chỗ khi cho rằng Nimita là đối tượng của Tầm và Tứ. Tức là Nimita bị nhầm thành đối tượng của Thiền. Tôi gọi đây là sự nhầm lẫn tai hại vì làm cho pháp hành trở nên khó khăn và sai lạc vì đề mục thiền định bị nhầm sang Nimita. Xin trích dẫn (chữ màu xanh):
1) Tầm (vitakka): Sự hướng tâm đến quang tướng khi quang tướng vừa xuất hiện đến.
2) Tứ (vicara): Sự đặt tâm và duy trì được tâm trên đối tượng quang tướng.
3) Hỷ (pīti): Sự thỏa thích khi chú tâm nhìn trên quang tướng.
4) Lạc (sukha): Sự cảm thọ an lạc (sukha), hạnh phúc trong quá trình kinh nghiệm quang tướng.
5) Nhất tâm (ekaggatā): Sự nhất tâm (ekag-gatā) trên quang tướng, tâm an trụ thanh tịnh trên quang tướng.
Trong 5 khái niệm về Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm trích dẫn nêu trên thì đến 4 chi thiền là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc đều lấy tợ tướng hay quang tướng làm đối tượng thiền. Điều này là sự nhầm lẫn tai hại. Tôi cũng đã đi thăm vài trường thiền theo quan điểm tu đắc thiền Định trước rồi mới vào thiền Tuệ (Định trước Tuệ sau). Khi thực hành phương pháp để tìm kiếm Nimita và bám vào Nimita gọi là Tầm và Tứ là không thể. Vì với đề mục hơi thở. Thì tâm phải bám vào hơi thở tức là Tầm và Tứ với hơi thở. Nhớ đó các triền cái bị đè xuống, tâm Dục Giới chuyển thành tâm Sắc giới và Nimita bắt đầu được nhìn thấy. Bắt đầu hành thiền, nếu thiền sinh vừa bám hơi thở, vừa để tâm quan sát xem Nimita có hiện ra không thì đã bị hỏng vì tâm không thể đồng thời quan sát cả 2 đối tượng một lúc. Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở hay Tứ Niệm Xứ, Đức Phật không dạy chú tâm trên Nimita mà chỉ chú tâm trên hơi thở.
Đoạn trích in nghiêng trên đây các bạn có thể dùng Google để search ra các trang web Phật giáo nói về thiền định đều đang hiểu như vậy.
Sự nhầm lẫn ở đây có 2 phần:
1. Nhầm Nimita là đề mục thiền: Có 40 đề mục thiền định thì Nimita không có trong 40 đề mục này. Đề mục chính là đối tượng để chú Tâm lên đề mục (Tầm) và bám sát đề mục (Tứ). Ví dụ như đề mục hơi thở thì Tầm là chú tâm lên hơi thở và Tứ là chà xát và bám vào hơi thở cho đến khi Hỷ (trên thân) và Lạc (trên tâm) xuất hiện kèm theo tợ tướng hay quang tướng là dấu hiệu hành giả đã vào cận định hay an chỉ định của Sơ thiền.
2. Khi vào Nhị Thiền cần phải loại trừ Tầm và Tứ, tức là loại trừ sự bám sát của Tâm và đối tượng hay đề mục. Vậy nếu Nimmita là đề mục thì Nimita sẽ bị loại bỏ khi vào Nhị Thiền. Trong khi Nimita là ấn chứng của thiền định từ Sơ thiền đến Tứ Thiền, tức là không thể loại bỏ được. Đức Phật đã nói để vào được Nhị thiền thì hành giả phải loại trừ hai chi thiền thô là Tầm và Tứ hay làm cho tâm luôn dao động vì phải bám sát vào đề mục thiền (ví dụ đề mục là hơi thở. Trong khi Nimita phải luôn có mặt từ Sơ thiền đến Tứ thiền vì Nimita thực chất chính là ''sắc'' của tâm sắc giới (tâm đã vào từ cận sơ thiền đến tứ thiền).
Trong Trung Bộ Kinh, kinh nghiệm Đức Phật đã nói cần phải loại trừ 2 chi thiền thô ở Sơ thiền là Tầm và Tứ mới vào được Nhị thiền:
''Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. ''
Vào Nhị Thiền, hành giả loại bỏ Tầm, Tứ và vẫn duy trì các chi còn lại là Hỷ, Lạc, Nhất Tâm. Thực chất Nhất Tâm chính là duy trì cái nhìn thấy ''sắc'' Nimita bằng tâm thiền định (tâm sắc giới). Vào Tam Thiền loại bỏ Hỷ, vào Tứ Thiền loại bỏ Lạc và chỉ còn Nhất Tâm. Sự Nhất Tâm lúc này chính là cái nhìn trọn vẹn hoàn toàn chỉ có ''sắc'' Nimita của tâm Sắc giới mà không bị chi phối bởi các tâm cảm thọ thô là Hỷ và Lạc của thân và tâm Dục Giới. Cách giải thích này logic, trọn vẹn từ đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của pháp hành thiền định đi từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Vì đến Tứ Thiền hơi thở của hành giả gần như biến mất (vô cùng vi tế), tức là đề mục không còn vì hơi thở là ''sắc thô'' của Thân Dục Giới lúc này chuyển sang thành sắc ánh sáng nimita dưới cái nhìn của tâm sắc giới. Tâm dục giới nhìn vật (sắc) tương ứng dưới dạng Sắc Dục Giới (sắc thô, hay thô tướng). Tâm sắc giới (tâm thiền định) nhìn vật (sắc) tương ưng dưới dạng Sắc của Sắc Giới là các loại ánh sáng.
Để chính xác nên đính chính lại như sau:
1) Tầm (vitakka): Sự hướng tâm đến đề mục (ví dụ là đề mục là hơi thở).
2) Tứ (vicara): Sự đặt tâm và duy trì được tâm trên đối tượng đề mục.
3) Hỷ (pīti): Sự dễ chịu trên THÂN khi chú tâm trên đề mục.
4) Lạc (sukha): Sự an lạc trên TÂM khi chú tâm trên đề mục.
5) Nhất tâm (ekaggatā): Sự nhất tâm trên tợ tướng hay quang tướng, tâm an trụ không bị dao động trên quang tướng (ấn chứng của nhập định).
Qua việc này, tôi mới nhận thấy việc đi sâu vào thiền định mà không có pháp học đúng và pháp học chỉ hiểu đúng khi người thực hành pháp có trải nghiệm đúng, quay trở ra đánh giá lại phần nào pháp học nói chưa rõ, phần nào người giải thích không có trải nghiệm nhưng biện giải theo sự suy đoán.
Để kết thúc phần này, tôi xin trích lại điều Đức Phật đã nói trong bài kinh tên gọi là: ''Không Thể Nghĩ Được'' (Tăng Chi Bộ IV.77)
-- Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thế nào là bốn?
1- Phật giới của các đức Phật, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
2- Thiền giới của người khi nhập Thiền, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
3- Quả dị thục của nghiệp, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
4- Tâm tư thế giới, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
5- Nhất Tâm diệt Nghi Ngờ: Ấn chứng của thiền định :(phần này để trống, khi hành giả thực hành như các các phần trên thì theo duyên tự nhiên sẽ đến phần này, mỗi hành giả sẽ thực chứng ấn tướng của Sơ thiền theo nghiệp riêng của mỗi người tự kinh nghiệm)
.................................................
.................................................
.................................................
.................................................
.................................................
.................................................
.................................................
.................................................
* PHỤ LỤC 1: TẦM QUAN TRỌNG CỦA THIỀN ĐỊNH HỮU SẮC (SƠ THIỀN ĐẾN TỨ THIỀN) TRÊN ĐẠO LỘ CHỨNG ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT:
Đức Phật đã kể lại theo THỨ TỰ với chúng ta toàn bộ hành trình tìm giác ngộ của ngài trong đại kinh Saccaka (kinh 36, Trung Bộ Kinh). Các bạn đọc kỹ lại. Ở đây , tôi xin tóm tắt 6 giai đoạn hành trình lần lượt chính của Đức Phật kể lại thứ tự trong cùng một bài kinh này để các bạn được rõ.
1. Ngài đến vị thầy thứ nhất chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ:
Như vậy, này Aggivessana, Alara Kalama là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ". Như vậy, này Aggivessana, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.
2. Ngài đến vị thầy thứ hai chứng đạt Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ:
Như vậy, này Aggivessana, Uddaka Ramaputta là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ". Như vậy, này Aggivessana, Ta không tôn kính pháp ấy và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.
3. Sự tuyệt vọng đến cùng tột của ngài khi chưa tìm ra đạo lộ:
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Thuở xưa có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Về tương lai, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng không thể có gì hơn nữa. Trong hiện tại, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Nhưng Ta, với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?"
4. Ngài nhớ lại cảm giác chứng Sơ thiền khi ngồi gốc cây trong lễ hạ điền của cha:
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ". Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Ðạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Ðây là đạo lộ đưa đến giác ngộ".
5. Ngài hoàn tất các thiền Hữu Sắc (nhị thiền đến tứ thiền hữu sắc):
Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
6. Ngài xả thiền Hữu sắc (xuất thiền Định) đi vào thiền Tuệ chứng Tam Minh:
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: "Ðây là Khổ", biết như thật: "Ðây là Nguyên nhân của khổ", biết như thật: "Ðây là sự Diệt khổ", biết như thật: "Ðây là Con đường đưa đến diệt khổ", biết như thật: "Ðây là những lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát." Ta đã biết: "Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Dưới đây là sơ đồ mô tả 6 giai đoạn hành trình trong 3 thiền (vô sắc, hữu sắc, tuệ quán) của Đức Phật đã đi qua.
* PHỤ LỤC 2: BIỂU ĐỒ TIẾN TRÌNH THIỀN ĐỊNH
* PHỤ LỤC 3: CÁC LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH
A/ 10 Lợi ích của Sơ thiền
1. Không đọa vào bốn đường ác
2. Thân thể khỏe mạnh
3. Ngủ không mơ mộng
4. Được chư thiên Dục Giới và Sắc Giới hộ trì
5. Nền tảng vững chắc để đi vào thiền Tuệ hay đi lên các bậc thiền Định cao hơn
6. Tâm nhu nhuyễn, sáng suốt, có Tuệ tương ứng với định ở mức Sơ thiền
7. Khi đối diện với cảnh nhiệt não, có thể nhập định để né tránh phòng hộ bằng ''Hiện Tại Lạc Trú''
8. Thấu hiểu lợi ích của pháp hành rõ ràng hơn.
9. Tin sâu vào Tam Bảo.
10. Nghiệp chướng được giảm trừ .
B/ 6 điều cần lưu ý
1. Bỏ thiền 21 ngày mất Sơ thiền, bỏ thiền 42 ngày phải tập lại từ đầu (tất nhiên có nhanh hơn người mới bắt đầu khi tập lại)
2. Không khoe pháp bậc cao nhân, chỉ nói ra phương pháp khi muốn giúp người tu tập
3. Giữ gìn giới hạnh trong sạch (với cư sĩ là 5 giới)
4. Có những người khiêu khích, chọc tức, học lỏm không vì thế mà sân hận không chỉ bảo nếu họ muốn học nghiêm túc.
5. Tu tập các hạnh phạm trú như Từ, Bi, Hỷ. Xả khi hành đạo
Tinh tấn tiếp tục đi vào thiền Tuệ để giải thoát khỏi luân hồi.
* PHỤ LỤC 4: Bảng đối chiếu các đề mục thiền với căn tánh và bậc thiền chứng tương đương. (của ngài thiền sư GUṆARATANA chú giải).